Nổi mẩn, ngứa khắp người do đi dưới trời nắng

Theo các chuyên gia y tế, việc dị ứng bắt đầu xuất hiện sau khoảng 24h, lúc đầu các triệu chứng được biểu hiện ở những nơi trực tiếp tiếp xúc với ánh nắng rồi sau đó lan ra rộng hơn, thậm chí cả người.
Ngứa khắp người do nắng
Trong những ngày nắng nóng vừa qua ở Hà Nội đã khiến nhiều người phải “điêu đứng” khi đi trên đường. Những tia nắng trong nền nhiệt 40 độ C cũng chính là nguyên nhân gây ra các bệnh về da liễu ở nhiều người hiện nay.
Chị Đ.H.Khanh, (nhân viên văn phòng tại Ô Chợ Dừa, Hà Nội) đã phải đối mặt với việc dị ứng nắng nóng khi hai cánh tay của chị bị nổi mẩn đỏ và ngứa rát. Chị Khanh cho biết, chị không thể ngừng gãi vì vùng da ở cánh tay chị luôn trong tình trạng ngứa. Sau hai ngày dùng nhiều loại thuốc bôi khác nhau nhưng chị vẫn không đỡ, chị Khanh đã tìm đến bác sỹ và được biết nguyên nhân là do các tia cực tím độc hại gây ra.

Cũng trong tình trạng ngứa da, xuất hiện nhiều vết bọng nước nhỏ, chị N.T.Lý (Kế toán trưởng tại một tập đoàn truyền thông ở Cầu Giấy – Hà Nội) đã vô cùng sợ hãi, lo lắng. Chị Lý chia sẻ: “Lúc đầu mình chỉ thấy vùng da dưới cổ của mình đỏ ửng và ngứa, nhưng lại không hiểu tại sao lại bị. Ngày hôm đó ở cơ quan mình rất ngứa nhưng lại phải hạn chế gãi. Tối đi làm về mình đã dùng lọ thuốc bôi da để bôi nhưng cũng không khá khẩm hơn, mà nó còn lan ra khắp người rồi xuất hiện thêm các bọng nước nhỏ. Mình sợ quá nên đã đi khám bác sỹ da liễu và phải vừa uống thuốc vừa bôi thì mới đỡ hẳn”.

Trường hợp của bạn N.A.Hồng (sinh viên năm 3 tại Hà Nội) nặng hơn khi mùa hè nắng nóng lại xuất hiện bệnh mày đay. Những ngày cuối năm học cũng là ngày Hà Nội nắng nóng, nhưng chưa kết thúc buổi học cuối của năm học thì Hồng đã bị nổi mày đay khắp người. Hồng cho biết, Sau buổi học về nhà cô sinh viên khá mệt nên đã lên giường nằm. Đến tối muộn, Hồng mới được bạn cùng phòng thức dậy ăn cơm nhưng cô lại cảm thấy ngứa ngáy khắp người, trên người Hồng xuất hiện nhiều mảng đỏ. Sáng hôm sau Hồng đã phải đi khám và được biết mình nổi mày đay do nắng nóng và sức đề kháng yếu.
Nguyên nhân gây nên dị ứng da 
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ da liễu Thu Hà cho biết, nguyên nhân là do tia cực tím đã gây nên các bệnh dị ứng da ở nhiều người. Khi họ đi dưới trời nắng nhưng lại không tự trang bị trang phục bảo vệ da cho mình, khiến các tia nắng chiếu thẳng trực tiếp xuống các vùng da như mặt, cổ và cánh tay. Những tia cực tím này rất độc và làm ảnh hưởng đến da không chỉ bị dị ứng mà còn khiến da bị sạm nắng.
Bên cạnh đó, nguyên nhân là do các lớp kem trang điểm, nước hoa trên da khi tiếp xúc với các tia nắng thì thay đổi chất và gây kích ứng lớn đến da. Đây gọi là phản ứng ngược khi tiếp xúc với môi trường tự nhiên của các hóa chất có trong đồ trang điểm.
     
Cần hạn chế đi dưới trời nắng để bảo vệ cho da cũng như sức khỏe. Ảnh minh họa.
Thời tiết nắng nóng bất thường ở nền nhiệt cao cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh về da. Nóng là nguyên nhân khiến da phải tiết chất nhờn, mồ hôi nhiều kèm theo việc bụi bẩn bám vào cũng là nguyên nhân gây ra ngứa, viêm nhiễm da.
Khoảng thời gian giao mùa từ mùa xuân sang mùa hè, là thời điểm mà sâu bọ phát triển. Khi tiếp xúc trực tiếp với những loại côn trùng này cũng là nguyên nhân gây nên dị ứng, ngứa ngáy khắp cơ thể.
Cách phòng tránh và khắc phục
Giới chuyên gia cũng khuyên rằng, nên lau khô những vùng da dễ tiết mồ hôi và bôi kem khử mùi để diệt khuẩn trước khi ra nắng. Không nên mặc quần áo có vải cứng sẽ gây ra cọ xát làm tổn thương da. Nên mặc quần áo dễ thấm mồ hôi để da thoáng khí và không bị nhờn bởi mồ hôi.
Khi ra khỏi nhà, cần mặc áo chống nắng và bịt kín mặt, tay và đội mũ vành rộng để tránh các tia cực tím tiếp xúc trực tiếp vào da bạn. Tốt nhất là bạn nên hạn chế ra nắng từ 10h – 16h trong ngày, nhất là lúc mặt trời lên đỉnh. 
Bạn cũng đừng quên thoa kem chống nắng trước 30 phút khi ra khỏi nhà. Nhưng cũng không nên chủ quan, mặc dù đã bôi kem chống nắng nhưng bạn cũng nên hạn chế đi dưới nắng và nên ăn mặc kín đáo để các tia nắng không tiếp xúc trực tiếp lên da.
Bên cạnh đó, nếu hái trái cây trong mùa này bạn cũng nên mặc áo phòng hộ, bịt khẩu trang để tránh tiếp xúc với các loài sâu bọ. Vì những bụi phấn, hoặc lông của chúng có thể gây kích ứng da.
Khi có các biểu hiện về da như mẩn ngứa, bọng nước, ban đỏ,… bạn nên đi khám kịp thời để xét nghiệm và điều trị kịp thời, tránh xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Vũ Minh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.