Nứt cổ gà khiến nhiều bà mẹ mới sinh đau đớn và xây xát có thể nhiễm trùng. Nguyên nhân của việc này xuất phát từ việc trẻ thường không ngậm bao trọn quầng vú mà chỉ ngậm ở núm vú, kéo núm vú theo để lại những vết xước, đỏ tấy, sưng lên. Nhưng mỗi lần như thế, bà mẹ thường chủ quan mà không chăm sóc cẩn thận dẫn đến hiện tượng nứt cổ gà.
Lần đầu tiên làm mẹ với nhiều bỡ ngỡ, chị Trang chưa hết mệt mỏi với việc chăm sóc con trai mới sinh lại kêu trời với hiện tượng nứt cổ gà. Trong khi mang bầu, chị Trang cũng được mẹ chồng và nhiều chị em khác nói về nứt cổ gà nhưng không ngờ tình trạng của chị lại nặng như vậy. Mỗi khi cho con bú, chị lại đau xát ruột mà không dám kêu. Bé trai con của chị thậm chí còn cắn và kéo núm vú vốn đã đau lại càng đau.
Mỗi lần bị như vậy, chị Trang chỉ lấy khăn lau để đỡ đau và đỡ sưng tấy nhưng không vệ sinh cẩn thận. “Có con nhỏ bận rộn, khi em bé cắn núm vú chỉ đau một lúc rồi thôi nên tôi cũng không để ý. Sau đó 1-2 tuần, vết rạn càng ngày càng đỏ, sưng tấy. Bầu vú đau nhức không thể con bú được”, chị Trang nói.
Cùng chung nỗi khổ như chị Trang, chị Duyên (Tp.HCM) đang phải tạm dừng cho con bú khoảng 10 ngày. Điều này xuất phát từ việc núm vú của chị vệ sinh kém, không giữ thông thoáng nên dẫn đến viêm nhiễm, sưng tấy. Mỗi khi chỉ cần chạm tay vào cũng khiến chị đau điếng người chứ chưa nói đến việc con ngậm cả núm vú khi bú.
“Tôi không để ý vệ sinh bầu vú sau khi cho con bú, chỉ dùng khăn lau qua loa. Đến khi thấy hơi rát, khó chịu cũng không thăm khám bác sĩ. Cho nên, tôi cũng lơ là đến khi vết cổ gà càng đỏ tấy lên mới đi khám thì mới điều trị cẩn thận“, chị Duyên nói.
Phòng nứt cổ gà như thế nào?
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lan Phương (Chuyên khoa chăm sóc trẻ sơ sinh) cho biết, với người mẹ cho con bú, khi có bất cứ bất thường nào ở vú cũng phải lưu ý và để tâm. Tốt nhất phải thăm khám bác sĩ để có cách chữa hợp lý. Trong thời gian đó, tạm dừng cho trẻ bú để chứng nứt cổ gà càng nặng hơn và phòng bội nhiễm. Bạn vẫn duy trì cho trẻ được ăn sữa mẹ bằng cách vắt sữa vào các thời điểm trong ngày.
“Khi bị nứt cổ gà, người mẹ phải dùng nước muối ấm, loãng hoặc nước muối sinh lý rửa sạch chỗ đau ở vết nứt. Việc này cần thực hiện hàng ngày, các dụng cụ khăn, tay cần phải sạch sẽ. Tuyệt đối không đắp lá, túi trà hay các phương thuốc truyền miệng có thể khiến vết nứt có thể bị nhiễm trùng. Thậm chí, túi trà làm cho vùng bị nứt se lại, da khô sẽ càng dễ nứt và vết nứt cổ gà càng khiến người mẹ đau đớn hơn”, bác sĩ nói.
Bạn cũng có thể dùng ngay chính những giọt sữa của bạn để thoa nhẹ lên đầu núm vú cũng sẽ nhanh chóng đem lại hiệu quả. Bởi lẽ trong sữa mẹ có chứa thành phần vitamin E và các chất kháng thể có tác dụng bảo vệ làn da, giúp các vết thương mau lành. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không bao giờ nên dùng dầu vitamin E để thoa lên núm vú vì như vậy sẽ khiến bé rất dễ bị ngộ độc.
Để phòng nứt cổ gà, ngoài việc người mẹ vệ sinh sạch sẽ bầu vú cho con hàng ngày. Ngoài ra, nếu trẻ không ngậm hết quầng vú mà chỉ ngậm hờ ở núm vú thì phải cố gắng dùng tay đưa nhẹ nhàng để quầng vú vào sâu hơn ở miệng trẻ. Không để trẻ quen với việc ngậm hờ ở núm vú dễ dẫn đến đau và nứt cổ gà về sau.
Chăm sóc vú và cho con bú đúng cách là biện pháp phòng tránh tốt nhất. Núm vú không đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Bạn chỉ cần nhớ tráng nước sạch sau mỗi lần tắm là đủ. Tránh để da bị khô, bị nẻ, chú ý không bôi xà phòng hoặc dùng dung dịch tiệt khuẩn trên vùng vú, việc này sẽ dẫn đến da bị khô và làm nứt núm vú. Cần mặc áo ngực vừa vặn, phù hợp với kích cỡ ngực, không nên mặc áo ngực có gọng kim loại để dòng sữa được lưu thông dễ dàng và tránh tổn thương vú do cọ xát.
Huyền Anh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.