Sự thật về sản phẩm biến đổi gien

Diện tích cây trồng biến đổi gien tăng nhanh trên thế giới

Trong nông nghiệp, các kỹ thuật chọn tạo giống truyền thống như lai tạo, chọn lọc thuần hóa đã được loài người sử dụng hàng ngàn năm để tạo ra các giống cây trồng có những đặc tính nông sinh học riêng biệt phù hợp cho điều kiện canh tác ở mọi nơi. Tuy nhiên, kỹ thuật này cần nhiều thời gian, trải qua nhiều thế hệ mới có được giống cây trồng mới mang những tính trạng mong muốn và loại bỏ đi những tính trạng bất lợi. 

Công nghệ sinh học đã sử dụng kỹ thuật di truyền để biến đổi cây trồng bằng cách đưa trực tiếp những gien có giá trị vào bộ gien của cây nhận (kể cả gien của các loài không có quan hệ họ hàng) và nhanh chóng tạo ra giống cây trồng mới biến đổi gien mang những đặc tính mong muốn. 

Hiện nay cây trồng biến đổi gien đang được ứng dụng khá rộng rãi trên thế giới và có những đóng góp đáng kể trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao khả năng kháng sâu bệnh, hạ giá thành sản phẩm. Nhờ vậy diện tích trồng cây biến đổi gien không ngừng tăng lên qua các năm ở các nước phát triển như Mỹ, Argentina, Canada, Braxin, Trung Quốc…

Sản phẩm biến đổi gien tại thị trường Việt Nam chưa được kiểm soát

Ở Việt Nam, lĩnh vực nghiên cứu gây tạo cây trồng biến đổi gien đang tiếp cận và đầu tư để triển khai nghiên cứu. Tuy nhiên theo nhận định của GS.TS Lê Trần Bình thì hiện nay và trong một thời gian dài nữa, Việt Nam đã và sẽ còn là nước nhập khẩu các sản phẩm công nghệ sinh học hiện đại là chính.

Tuy chưa có cơ quan nào thống kê, đánh giá đầy đủ tình trạng các giống cây con biến đổi gien, số lượng vi sinh vật lạ, các sản phẩm của chúng được sử dụng trong nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, dược phẩm đã nhập vào Việt Nam. Do chúng ta chưa có văn bản pháp lý để quản lý thống nhất trên cả nước nên các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, bảo quản, sản xuất, xuất nhập khẩu vật phẩm biến đổi gien hoặc sản phẩm, phụ phẩm của chúng đang trôi nổi tự do, không thể quản lý hay kiểm soát được. 

Gạo vàng được sản xuất bằng phương pháp biến đổi gien.

Mặc dù ta chưa tạo được cây chuyển gien ở qui mô thương mại và sản phẩm biến đổi gien chưa nhiều, nhưng ở nước ta hiện nay đang tồn tại một số cây trồng chuyển gien như cây bông chuyển gien cry (gien mã hóa protein tinh thể độc tố diệt côn trùng của vi khuẩn bacillus thuringensis), ngô chuyển gien kháng thuốc trừ cỏ, kháng sâu đục thân…

Đậu nành là một trong những sản phẩm biến đổi gien.

Trên thị trường còn lưu hành một số sản phẩm biến đổi gien: ngô, khô dầu đậu tương là thành phần trong thức ăn chăn nuôi có chứa một tỷ lệ sản phẩm biến đổi gien nhất định, hoặc nhiều thức ăn chế biến sẵn nhập từ nước ngoài như thịt, trứng, sữa v.v…, cũng có thể là sản phẩm của cơ thể sống biến đối gien. 

Sản phẩm biến đổi gien khác biệt với sản phẩm thông thường

Cây trồng biến đổi gien (Genetical Modifie Crop: GMC) là cây mang một hoặc nhiều gien lạ được đưa vào thay vì lai hữu tính để tạo tái tổ hợp gien rồi chọn lọc theo phương pháp truyền thống. Kỹ thuật chuyển gien cho phép cùng một lúc có thể đưa vào một giống những gien mong muốn từ những sinh vật sống khác nhau không chỉ của những loài có quan hệ họ hàng gần. Vì vậy phương pháp này cho phép đưa ra giống mới nhanh hơn với nhiều tính trạng mong muốn. GMC được tạo ra thông qua một quá trình hoàn toàn nhân tạo được gọi là “kỹ thuật di truyền”. 

Với cách tạo vật liệu chọn giống hoàn toàn khác với phương pháp truyền thống và sự tiến hóa chung của các loài sinh vật như vậy thì bản thân “công nghệ gien” sẽ đem lại những sản phẩm biến đổi gien khác biệt với sản phẩm thông thường. 

Sản phẩm biến đổi gien có 2 loại. Loại thứ nhất gồm những sản phẩm thu hoạch trực tiếp trên cây biến đổi gien (rễ, thân, lá, hoa, quả, hạt) dùng trực tiếp làm lương thực, thực phẩm, dược phẩm cho người hoặc làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, tôm cá.

Loại thứ hai là những sản phẩm thứ cấp thu được thông qua sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm, tôm cá… được nuôi bằng sản phẩm GMC, gồm: thịt, tôm, cá, trứng, sữa… Các sản phẩm thứ cấp cũng được dùng làm thực phẩm, dược phẩm cho người.

Việt Nam vẫn chưa dán tem các sản phẩm biến đổi gien

Trên thế giới có một số quốc gia (Châu Âu, Nhật Bản…) bắt buộc phải dán nhãn trên sản phẩm biến đổi gien mới được lưu hành trên thị trường, trong khi một số quốc gia khác không khuyến khích việc dán nhãn. Gần đây tại Việt Nam, một số chuyên gia nước ngoài còn đề nghị dùng tên “Cây trồng sinh học” thay cho tên gọi “Cây trồng biến đổi gien”.

Ông SaLim M. Bootwalla, Giám đốc Kỹ thuật – Dinh dưỡng Gia súc, Tổ chức Đậu nành Mỹ, khuyên rằng: “Việt Nam không nên dùng thuật ngữ cây trồng chuyển gien mà dùng cây trồng sinh học để tránh những sự lo ngại thái quá trong dư luận, xã hội. Ở Mỹ, các nữ trại chủ không bao giờ muốn chồng mình trực tiếp đi phun thuốc trừ sâu kể cả bằng máy bay”.

Nguồn: Theo phununews

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.