Tản mạn ở cố đô Hoa Lư

Ninh Bình có đầy đủ yếu tố trở thành điểm du lịch hấp dẫn: lịch sử lâu đời, cảnh thiên nhiên đẹp.

  • 1
    Cố đô Hoa Lư Ninh Bình 
     
    Kinh đô Hoa Lư rộng hơn 300 ha, có 10 đoạn tường thành nối liên hoàn với các dãy núi bao bọc, cao thấp hiểm trở khác nhau tạo nên thế phòng thủ vững chắc, bên ngoài khó bề xâm nhập, bên trong đi lại dễ dàng, cả đường sông và đường bộ.
     
    Tản mạn ở cố đô Hoa Lư - 1
     
    Kinh thành có thành Nam (Tràng An ngày nay) là hệ thống phòng thủ mặt sau. Thành Đông là khu trung tâm, thành Tây là vòng ngoài. Thành có móng sâu, tường xây gạch, dày gần 1 m và cao từ 8 – 10 m. Chân tường kè đá tảng, gạch bó và chôn cọc gỗ.
     
    Gạch xây tường phổ biến loại 30 x 16 x 4 cm có dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch chuyên xây thành Đại Việt). Có những viên gạch lát nền lớn, khổ 78 x 48 cm, trang trí hoa sen tinh xảo. Di tích cung điện nằm sâu dưới lòng đất 3 m hiện đang được khai quật với nhiều hiện vật phong phú.
  • 2
    Tràng An – Hồn quê của Ninh Bình 
     
    Trong khu sinh thái Tràng An, du khách sẽ được viếng những đền tưởng niệm, nơi ghi dấu công lao ông cha ta đã bảo vệ đất nước
     
    Hoa Lư lấy núi Yên Ngựa (Mã Yên) cao khoảng 200 m làm án phong. Trên đỉnh có lăng mộ Đinh Tiên Hoàng với niềm tin Vạn Thắng Vương, dù mất vẫn còn trên yên ngựa. Vượt 265 bậc thang đá là tới đỉnh, tha hồ ngắm toàn cảnh Hoa Lư với nước non hùng vĩ, với đền đài trầm mặc, với khu dân cư hiện đại.
     
    Tản mạn ở cố đô Hoa Lư - 2
     
    Tản mạn ở cố đô Hoa Lư - 3
     
    Hoa Lư có sông Hoàng Long uốn lượn giữa đôi bờ ruộng lúa tốt tươi với nhiều truyền thuyết và giai thoại. Bên cạnh là núi Cắm Gươm (Kiếp Lĩnh), núi Cột Cờ – nơi treo quốc kỳ Đại Cồ Việt; ghềnh Tháp, nơi Đinh Tiên Hoàng duyệt thủy quân.
     
    Xa hơn là hang Muối, hang Tiền – nơi cất giữ lương thực, ngân khố; động Am Tiên – nơi nhốt hổ báo xử kẻ có tội. Chùa Một Cột (Nhất Trụ) xây từ thời Lê Đại Hành, có cột đá hình 8 cạnh, cao 4 m16, khắc kinh Lăng Nghiêm do nhà vua cung tiến, là thạch kinh cổ nhất Việt Nam.
     
    Kế bên là đền thờ công chúa Phất Kim, con gái Đinh Tiên Hoàng, thà nhảy giếng tự vẫn chứ không theo chồng chống lại cha. Các chùa cổ như chùa Bà Ngô, chùa Bàn Long, chùa Tháp (có tháp Báo Thiên), chùa Kim Ngân (nơi Lê Đại Hành đi cày mở hội tịch điền), chùa Bái Đính… đều xây dựng từ thời nhà Đinh. Hoa Lư tứ trấn thờ các vị thần Thiên Tôn (Đông), Cao Sơn (Tây), Quý Minh (Nam), Đức Thánh Nguyễn (Bắc).
     
    Ba vị Thiên Tôn, Cao Sơn, Quý Minh là truyền thuyết, dõng dõi Hùng Vương. Còn Đức Thánh Nguyễn là Lý Quốc Sư, tức pháp sư Phạm Minh Không, ông tổ nghề đúc đồng ở Việt Nam. Hoa Lư còn có Huyền Nữ Phạm Thị Trân, bà tổ hát chèo, là tổ sớm nhất của ngành sân khấu, nữ quan đầu tiên ở Việt Nam. Bà giữ chức Ưu Bà dạy quân lính múa hát, trống, đàn và diễn trò.

     
    Trung tâm của cố đô là đền thờ vua Đinh, vua Lê liền kề nhau, có từ thời nhà Lý và xây dựng lại thời Hậu Lê. Đền kiến trúc mô phỏng kinh đô xưa, kiểu “Nội công, ngoại quốc”, dưới chân núi Yên Ngựa, độc đáo với nghệ thuật chạm khắc gỗ đặc sắc và nhiều cổ vật quý được bảo tồn.
     
    Tản mạn ở cố đô Hoa Lư - 4
     
    Chính cung đền Đinh thờ Đinh Tiên Hoàng và 3 hoàng tử: Đinh Liễn, Đế Toàn, Hạng Lang. Tòa Thiêu Hương thờ 4 khai quốc công thần là Nguyễn Bặc (ông tổ của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi), Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ.
     
    Nhà Khải Thánh thờ song thân Đinh Công Trứ và Đàm Thị. Chính cung đền Lê thờ Lê Đại Hành ở giữa, bên trái là Dương Vân Nga, bên phải là Lê Long Đĩnh. Tòa thiêu Hương thờ Phạm Cự Lượng. Gian trái thờ công chúa Phất Ngân, mẹ của vua Lý Thái Tổ.
     
    Viếng đền vua Đinh, tôi thích đôi câu đối “Cồ Việt Quốc đương Tống khai bảo. Hoa Lư đô thị Hán Tràng An” (Đại Cồ Việt sánh ngang nước Tống. Hoa Lư bề thế tựa Tràng An, Trung Quốc). Viếng đền vua Lê, nghe nhiều giai thoại về Dương Vân Nga đầy cảm kích và bí ẩn. Bà là nhiếp chính, hoàng hậu của 2 vua, trẻ đẹp mà thao lược quyết đoán, xưa nay hiếm.
     
    Chưa có phụ nữ nào được thờ chung với vua, trừ Dương Vân Nga. Bà là cánh tay phải của Lê Đại Hành. Nếu bà ngồi bên phải sẽ quay lưng lại với chồng trước là Đinh Tiên Hoàng nên dân gian đã để bà ngồi bên trái cho hợp đạo. Mấy lần viếng đền, thấy bà như đang thao thức, vững tay chèo chống, đưa vận nước thoát cảnh rối ren.
  • 3
    Khám phá Tam Cốc, thưởng thức đặc sản dê núi
     
    Đến Hoa Lư, thật thú vị khi ngồi thuyền phụ chèo trên dòng sông Ngô Đồng duyên dáng giữa đôi bờ mượt mà xanh lúa, khám phá Tam Cốc, như phiên bản Hạ Long thu nhỏ trên cạn. Khi nắng ngả màu tím, tôi thả bộ viếng đền Thái Vi – nơi thờ các vua và tướng lĩnh nhà Trần và động Thiên Hương thờ Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung, mẹ vua Lý Chiêu Hoàng, sau này là vợ của thái sư Trần Thủ Độ.
     
    Tản mạn ở cố đô Hoa Lư - 5
     
    Tôi thích đi thuyền nan, chứ không thích thuyền sắt loảng xoảng, xô bồ. Hiện nay việc phân chia lợi nhuận giữa quản lý nhà nước và người dân chèo thuyền chưa hợp lý, không “khoan thư sức dân” mà chỉ tận thu. Do vậy nên có hiện tượng người chèo thuyền vòi vĩnh khách và thợ chụp ảnh lập lờ, ăn gian kiểu chụp…
     
    Ẩm thực cố đô có nhiều món ngon và không đụng hàng. Hoa Lư là “thủ đô” của cơm cháy, dê núi, miến lươn, cá tràu (cá lóc) tiến vua, cá rô Tổng Trường (tổng Trường Yên)… Lươn, cá tràu và cá rô có vị ngọt, thơm, dai, đến nhà vua còn mê hơn “nem công chả phượng”.
     
    Còn dê, toàn ăn lá non vách núi cheo leo, uống nước Tam Cốc nên ngon nhất xứ, “tráng dương bổ thận” hơn cả Viagra. Chẳng thế mà dân du lịch kháo nhau “Tái dê chấm với tương gừng. Ăn xong ta lại phừng phừng hơn dê”. Món tái dê trộn thính, ăn kèm lá đinh lăng, mơ, sung chấm tương bần giã gừng, thêm tí rượu Kim Sơn thì cứ gọi là sướng.
     
    Tản mạn ở cố đô Hoa Lư - 6
     
    Lễ hội Hoa Lư, còn gọi là lễ hội Trường Yên với nhiều điểm nhấn ấn tượng như lễ rước nước, lễ tế, cờ lau tập trận, thi hát chèo… Tuy nhiên màn sân khấu hóa với diễn văn dài dòng và truyền hình trực tiếp rập khuôn thật khó chịu.
     
    Nên chăng đưa hội từ sân khấu đến với mọi người, để ai cũng được hòa mình vào những sự kiện lịch sử trọng đại khắp đường phố, chứ không thụ động như xem văn nghệ. 
     
    Việt Nam vô địch Asean về di sản thế giới, bỏ xa các nước nhưng hiệu quả du lịch thì ngược lại. Điều mong muốn và cần làm ngay là cải thiện chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch. Là việc quy hoạch sao cho hài hòa, hạn chế bê tông và giữ được nét xưa thanh lịch. Hoa Lư và Ninh Bình có thừa “thiên thời địa lợi” nhưng chưa đủ “nhân hòa” để trở thành trọng điểm du lịch, không chỉ của Việt Nam mà cả vùng Đông Nam Á.