Trẻ co giật vì cha mẹ quên vệ sinh rốn

Trẻ co giật vì cha mẹ quên vệ sinh rốn
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận trường hợp cháu bé Lầu V.M bị co giật, tăng trương cơ lực, bụng trướng. Nguyên nhân của tình trạng này là do cháu bé bị nhiễm khuẩn ở rốn, uốn ván sơ sinh. 
Được biết, sau khi cháu bé từ trạm y tế xã trở về, bà nội đã lấy nước đun sôi và nước suối pha cùng nhau để tắm cho trẻ. Sau đó, bé xuất hiện các triệu chứng như sốt, quấy khóc, không bú, co giật. 
Có thể nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng là do nước suối nhiễm khuẩn. Cháu bé được chuyển xuống bệnh viện tuyến tỉnh với triệu chứng ngừng thở, ngừng tim kéo dài. Sau 1 tháng điều trị tình trạng sức khỏe bệnh nhi đã dần ổn định, cắt sốt, không còn co giật.
Trẻ co giật vì cha mẹ quên vệ sinh rốn

Để rốn rụng tự nhiên không nên tác động từ bên ngoài vào.

Việc vệ sinh rốn cho trẻ sau sinh rất quan trọng. Bởi sau khi sinh xong, y tá sẽ cắt dây rốn và băng rốn lại. Quá trình lành ở rốn sẽ kéo dài nhiều tuần. Tuy nhiên, không phải đợi rốn tự lành mà phụ huynh cũng cần phải chú ý đến vệ sinh rốn sạch sẽ.
Khi biểu hiện nhiễm trùng rốn, bố mẹ có thể nhận thấy rốn ướt có mùi hôi. Ban đầu có thể chưa xuất hiện mủ, nhưng trẻ lại có dấu hiệu sưng tấy, bụng chướng, tiêu hóa kém. Nếu bị nặng, trẻ bỏ bú, quấy khóc, co giật, thể trạng suy sụp.
Có trường hợp xuất hiện triệu chứng rốn sưng đỏ, tím bầm, chảy nước mủ hoặc máu, mùi hôi, sưng tấy tổ chức xung quanh. Toàn thân suy sụp, tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc rõ. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây nhiễm trùng huyết, tử vong. Các dấu hiệu chính để phát hiện nhiễm trùng rốn là: Rốn rỉ nước vàng, da xung quanh rốn có dấu hiệu đỏ hoặc sưng tấy, máu chảy ở rốn, sau 3 tuần nhưng rốn chưa rụng.
Vệ sinh rốn cẩn thận
Trao đổi với chúng tôi bác sĩ Lê Thị Hà (Chuyên khoa Sơ Sinh) cho hay, để đảm bảo rốn sạch sẽ, không nhiễm khuẩn, phụ huynh cần lưu ý vệ sinh tay sạch sẽ trước khi vệ sinh rốn. Dùng xà bông diệt khuẩn rửa tay, sau đó lau khô bằng khăn sạch.
Tắm cho trẻ bằng nước sạch, đun sôi, không dùng nước lã hay nước lấy từ các nguồn như ao, hồ, sông, suối… không đảm bảo vệ sinh. Tuyệt đối không cho cuống rốn tiếp xúc với nước khi tắm. Mặt khác, khi vệ sinh rốn cũng cần quan sát để phát hiện những dấu hiệu bất thường ở rốn.
Khi quấn tã hay cởi tã cho trẻ cũng cần nhẹ nhàng, tránh để tã làm xây xước vùng rốn. Lúc thay tã cho trẻ cũng cần phải lưu ý tránh để phân hay nước tiểu vương lên rốn có thể dẫn đến nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. 
Phụ huynh dùng bông gạc hoặc tăm quấn bông sạch để lau nhẹ nhàng quanh rốn. Sau đó đừng quên sát khuẩn da xung quanh bằng cồn 70 độ.
Sau khi vệ sinh rốn cho bé, cha mẹ nên dùng gạc vô trùng đặt lên phần rốn và quấn băng rốn lại. Lưu ý, băng rốn là loại vô trùng, có độ co giãn tốt và có thể thoát hơn. 
Bên cạnh thói quen thiếu vệ sinh của một số phụ huynh, cũng có nhiều lỗi sai mà các bà mẹ lần đầu làm mẹ mắc phải. Rốn rụng và khô là quá trình diễn ra tự nhiên theo trình tự nhưng có người tự ý làm cho rụng rốn trước thời gian 3 tuần bằng cách giật núm rốn. Việc làm này nguy hiểm bởi như vậy có thể gây chảy máu và nhiễm trùng.
Không cẩn thận sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn rốn nhưng nếu băng rốn quá chặt sẽ làm cho vùng rốn bị bịt kín. Khi đó, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn do vi khuẩn dễ phát triển. Nước sạch cũng có thể làm cho rốn lâu rụng, chậm khô hơn. Cho nên khi tắm, nên hạn chế không để rốn của bé bị ướt, tránh kéo dài thời gian rụng rốn và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng rốn.
Do đó, phụ huynh cần lưu ý vệ sinh rốn, đảm bảo rốn không bị nhiễm trùng hay vi khuẩn thâm nhập ngay từ những năm tháng đầu đời. Khi trẻ có dấu hiệu nhiễm uốn ván cần phải đưa đến cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.
Mỹ Hà

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.