Nếu bạn công nhận giống tôi rằng, phần lớn người Việt nói và nghe tiếng Việt giỏi, vậy thì bạn sẽ đồng tình cùng tôi điều này: học ngôn ngữ đối với phần đông trẻ Việt Nam từ trước đến nay là không khó, không cần năng khiếu vượt trội!
Nhiều người hỏi tôi rằng, bí quyết nào để giúp con học Tiếng Anh (ngôn ngữ thứ 2) được thuần thục như tiếng mẹ đẻ? Tôi nói: Nên bắt đầu sớm!
Tôi lại được hỏi: Tôi cũng cho con học rất sớm, thầy thợ “siêu khủng” chẳng kém gì, nhưng có lẽ tố chất của đứa trẻ mới là quyết định!
Tôi trả lời: Trẻ được quan tâm học ngôn ngữ thứ hai từ sớm, lại chọn được thầy tốt, thầy phát âm, diễn đạt chuẩn bản ngữ, ấy là hai yếu tố quan trọng rồi, nhưng chưa phải là yếu tố quan trọng nhất! Tâm thế học là rất quan trọng. Khi bạn học tiếng Việt từ thơ bé (từ 0 tuổi – 3,4 tuổi), mẹ bạn không ép bạn làm bài tập, không đòi bạn phải hoàn thành bài tập, bà ấy chỉ đơn giản nói nhiều với bạn, khích lệ bạn phát âm, khích lệ bạn diễn đạt, khích lệ bạn hát và biểu lộ cảm xúc, vân vân. Bà ấy không nôn nóng, bởi vì, những “tiết học” bất tận ấy không phải trả bằng học phí, bằng tiền bạc.
Khi bạn cho con học ngôn ngữ thứ hai, bạn đứng trước bài toán “đầu tư và hiệu suất đầu tư” như thế nào? Có tương xứng không? Có như kỳ vọng của bạn trước lời hứa của nhà cung cấp dịch vụ giáo dục – các trung tâm ngoại ngữ không? Do đó, đứa trẻ trở thành đối tượng “đầu tư” hơn là cảm hứng “học để tăng cường tố chất”; học để khai thác tiềm năng “nhớ tiềm thức” bền lâu của não bộ. Do đó, nó bị học cưỡng ép quá sớm, đòi hỏi hoàn thành bài tập, bài viết, lượng từ vựng, chính tả,… – quá nhiều so với lứa tuổi, đây là cơ chế “bắt buộc” khiến cho trẻ kém hứng thú và do đó, kết quả của dự án “cho trẻ học ngôn ngữ thứ hai từ sớm” nhiều phần bị hạn chế.
Bí quyết của tôi trên hành trình dẫn dắt con gái sở hữu ngôn ngữ thứ 2, thứ 3 như tiếng mẹ đẻ, đó là:
1/ Khích lệ trẻ giao thức bằng ngôn ngữ tiếng Việt nhiều, cởi mở bằng chính lối sống của bản thân.
2/ Hướng dẫn trẻ nói tiếng Việt chuẩn và diễn đạt xúc cảm bằng tiếng Việt chuẩn khi tròn 4 tuổi.
3/ Tiếp xúc với tiếng Anh thông qua phim hoạt hình Walt Disney phiên bản phụ đề tiếng Anh (60 – 90phút/ngày chia 3 lần) không phiên dịch, ngay khi đứa trẻ bắt đầu được xem phim hoạt hình.
4/ Bắt đầu học giao tiếp trực tiếp – học phát âm trực tiếp với thầy bản ngữ khi 5 tuổi rưỡi, nhưng không yêu cầu trả lời bài tập, không bắt trẻ tập viết, không kiểm tra từ vựng, không yêu cầu đúng chính tả mà khích lệ các giao thức xã hội với thầy giáo và bạn bè bằng tiếng Anh nhiều nhất có thể, trong mọi cơ hội có thể.
Bạn thấy đấy, bí quyết của tôi không có gì bí ẩn, càng không có gì khó thực hiện, chỉ duy nhất một điều, bạn hãy thuận theo quy luật tự nhiên – “tự nhiên như nhiên”: bắt đầu sớm, chuẩn mực sinh ngữ bản ngữ, bền bỉ, kiên nhẫn nhưng không thúc ép và nôn nóng, không khiên cưỡng cho đến khi đứa trẻ tròn 10 tuổi. Khi nền tảng “nhớ tiềm thức” và năng lực giao tiếp tự nhiên, không ngượng ngùng, e ngại bằng tiếng Anh của đứa trẻ đã thuần thục, thì việc học để sở hữu tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ là ước mơ hiện thực của phần lớn đứa trẻ Việt Nam khi con bạn tích lũy thực hành đủ chín muồi.
HĐ (Trích FB Hồ Thị Hải Âu)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.