Cách tìm kiếm thông tin học bổng du học Trung Quốc, Đài Loan

Những ngành học lạ lùng nhất nước Mỹ

Bài viết này xin được đóng góp một số kinh nghiệm cho các bạn ở Việt Nam đang tìm kiếm học bổng du học.

 Người viết bài này xin được đóng góp kinh nghiệm ít ỏi của mình cho các bạn ở Việt Nam đang tìm kiếm học bổng du học. Để kiếm được học bổng trước tiên bạn phải:

  • 1
    Tìm kiếm thông tin. 
    Có nhiều nguồn thông tin có thể giúp bạn kiếm được học bổng:

     Thứ nhất, là do bạn bè đồng nghiệp giới thiệu.
           

     Đây là nguồn thông tin phong phú, nhưng hiệu quả thì không hẳn cao. Vì những thông tin này thường là do bạn bè mình có từ những nguồn thông tin khác, thực tế của họ trong việc kiếm tìm học bổng ít hơn số nguồn thông tin mà họ nắm bắt. Tuy vậy, bạn hãy biết tận dụng nguồn tin này, vì họ sẽ có một số kinh nghiệm thực tiễn quý giá bạn nên nắm bắt ví dụ như trong việc xin thư giới thiệu, viết lý lịch bản thân…
     
    Nguồn thông tin thứ hai, vô cùng quý giá, ấy là từ các thầy cô trong trường bạn học, hoặc các thầy cô mà bạn quen biết.
           
     Những học bổng kiểu này thường sẽ mang lại hiệu suất cao, bởi đấy là những nguồn tin chính thức, và bạn có được một sự hẫu thuẫn đáng tin cậy. Ví dụ người viết bài này đã được cô giáo giới thiệu cho 1 trường ở Trung Quốc với chú thích là chắc chắn được 100% với sự giới thiệu của cô. Tuy nhiên, do không phải là chuyên ngành yêu thích nên tác giả đã không làm hồ sơ.

    Nguồn thông tin thứ ba, cũng quý giá nhưng không chắc chắn đó là các đại sứ quán, văn phòng đại diện của nước bạn định đi du học tại Việt Nam.
           
    Khi tìm học bổng người viết bài này đã xông pha tới đập cửa cả đại sứ quán Trung Quốc và văn phòng đại diện văn hoá Đài Bắc ở Hà Nội để hỏi thông tin về tuyển sinh và chính sách học bổng. Mặc dù không vào được đại sứ quán Trung Quốc nhưng tôi đã gọi điện được với người phụ trách mảng này của đại sứ quán và anh ta hứa giới thiệu cho tôi một trường với chuyên nghành yêu  thích và ở những thành phố mong muốn.
           
    Tuy nhiên, không hẳn người ta hứa như vậy là mình hoàn toàn yên tâm, ngược lại phải chủ động liên lạc để hỏi tình hình và thủ tục, vì đại sứ quán họ rất bận, không thể nhớ hết bằng ấy người gọi điện đến và hỏi thông tin được. Thường có thư giới thiệu của đại sứ quán thì tỉ lệ thành công gần như là tuyệt đối, ví dụ như cô bạn của tôi hiện đang học ở đại học Nhân dân Trung Quốc là một trường hợp như thế. Tuy nhiên, do không nắm rõ thông tin tôi đã gửi hồ sơ xin học bổng sang trường trước khi có giấy giới thiệu của Đại sứ quán, do vậy họ không viết thư giúp tớ nữa, đây là bài học đáng tiếc vì không nắm rõ thông tin về quy trình. Nên đến đại sứ quán trước. Nếu không bạn sẽ bỏ lỡ một tấm vé chắc chắn và chỉ còn hy vọng là hồ sơ cùng với những thư giới thiệu khác của mình đủ mạnh để giật được một học bổng như ý.

     
    Nguồn thông tin quan trọng nữa là Internet.
           
    Tuy nhiên không phải cứ lên Google gõ là ra đâu nhé, phải có trọng điểm.
     
    Trang web về học bổng chính phủ Trung Quốc là : http://en.csc.edu.cn/Default.aspx

    Bạn có thể check các thông tin liên quan trên trang web này : Các loại học bổng của chính phủ Trung Quốc, các trường có chấp nhận học bổng loại này, các chuyên nghành, chỉ tiêu, mức học bổng…

    Còn đây là địa chỉ về học bổng của chính phủ Đài Loan ở Việt Nam :

      http://vietnam.nsc.gov.tw/lp.asp?ctNode=1675&CtUnit=1257&BaseDSD=7

    Trang web này nói chung thông tin nghèo nàn và có vẻ không bổ trợ gì nhiều.
           
    Ngoài ra bạn search thông tin trực tiếp từ các trường là tốt nhất. Và hãy liên lạc trực tiếp với những người có liên quan. Như thế, sẽ có được thông tin nhanh, chính xác và hiệu quả.

  • 2
    Làm hồ sơ. Để hồ sơ của bạn có hiệu quả cao thì bạn phải chuẩn bị:
     
    Đầu tiên là bảng điểm của bạn phải đẹp. Không được mỹ mãn lắm thì ít ra là điểm của những môn chuyên ngành bạn xin học phải khá. Tuy nhiên, ngoài bảng điểm là yếu tố quan trọng, thì còn có những yếu tố khác mới là yếu tố quyết định.

    Xin thư giới thiệu: Xin thư giới thiệu là một phần quan trọng mặc dù chỉ là giấy tờ mang tính thủ tục. Bạn cố gắng xin thư giới thiệu từ thầy cô giáo có học hàm, học vị càng cao càng tốt. Như thế, hồ sơ của bạn sẽ có sức nặng hơn nhiều. Kinh nghiệm xin thư giới thiệu là hãy soạn sẵn thư cho thầy cô duyệt, vì thường các thầy cô rất bận, nhất là những thầy cô mà mức độ thân thiết của bạn hạn chế. Còn những thầy cô thân thiết với bạn thì bạn có thể nhờ các thầy cô trực tiếp viết.

    Viết kế hoạch học tập: Phần này bạn có thể search trên mạng và tham khảo cách viết của người khác. Hãy viết theo phong cách phù hợp với bạn nhất và bằng ngôn ngữ của chính bạn. Thường kế hoạch học tập sẽ phải nêu bật được : Mục đích đi học, lý do chọn trường học, kế hoạch trong thời gian học, và nên nhấn mạnh dự định sau khi học xong sẽ làm gì và kiến thức học được có thể phục vụ gì cho dự định đó.

    Viết sơ yếu lí lịch bản thân: Về cơ bản thì cái này giống như cái CV xin việc của bạn. Hãy cố gắng liệt kê những kinh nghiệm và kiến thức mà bạn có được liên quan hoặc bổ trợ cho ngành học sắp tới của bạn. Những cái không cần thiết có thể cắt bỏ, và đừng bỏ sót những mắt xích nhỏ nhưng lại có ích trong việc ghi điểm cho hồ sơ của bạn.

    Chứng chỉ ngoại ngữ: Bạn cố gắng chuẩn bị cho mình 1 loại chứng chỉ tiếng Anh nào đó( TOEIC, IELTS, TOELF…) cái này sẽ gần như là yếu tố quyết định cho tấm vé vào cửa các trường của bạn. Hãy học để trang bị cho chính bản thân bạn, nó không bao giờ dư thừa, kể cả khi bạn không đi học. Ngoài ra xin học bổng ở Trung Quốc thường sẽ yêu cầu HSK, còn ở Đài Loan thì ngoài tiếng Anh ra, bạn mà có được TOP thì càng tốt. Nếu như có các chứng chỉ ngoại ngữ khác thì bạn cứ nộp kèm hồ sơ, điều đó sẽ ghi thêm điểm cho bạn. Nhưng theo ý kiến chủ quan của người viết bài này thì bạn đừng nộp TOP khi apply vào các trường Trung Quốc, có khả năng bạn sẽ bị loại ngay từ vòng gửi xe, vì đấy là một vấn đề nhạy cảm về chính trị.

    Các loại giấy tờ khác: Application form thì bạn chỉ cần điền đầy đủ, cứ tích vào loại học bổng cao nhất, nó không ảnh hưởng gì đến quá trình đánh giá hồ sơ của bạn. Ngoài ra nếu bạn có thêm bất kỳ giấy tờ, văn bằng nào mà có thể có ích cho hồ sơ của bạn thì cứ gửi kèm theo.

     
    Thêm một yếu tố nữa trong quá trình giành học bổng này là cập nhật thông tin và giữ liên lạc.

    Người viết bài này đã thường xuyên liên lạc với những người phụ trách tuyển sinh của các trường, như thế rất tốt cho mình. Vì thứ nhất mình sẽ được update các thông tin mới thường xuyên nếu có. Thứ hai, làm như thế sẽ cho thấy được nguyện vọng thật sự của mình là muốn đi học và đối phương có thể sẽ ấn tượng hơn với bạn và nhớ mặt, nhớ tên bạn. Hoặc như trường hợp người viết bài này gửi hồ sơ apply 1 trường ở Trung Quốc, do liên lạc thường xuyên với cô phụ trách tuyển sinh nên biết được thông tin là năm 2009 trường không tuyển sinh thạc sỹ quản trị kinh doanh cho chương trình học bổng chính phủ nữa. Ngay khi ấy tôi đã gửi ngay một thư khác để hỏi xem liệu cô ấy có chuyển hồ sơ của tôi sang một khoa nào khác phù hợp được không. Và hồ sơ của tôi được gửi sang một khoa mới của trường mà thông tin này trước đó tôi không hề biết. Kết quả là tôi giành 1 suất học bổng chính phủ Trung Quốc dành cho chương trình thạc sỹ ngôn ngữ.

     
    Bạn nên tận dụng lợi thế của Internet và thông tin liên lạc hiện nay. Giấy tờ thiếu hoặc phải làm lại hãy scan và gửi qua mail, và nếu cần hãy gọi điện thẳng sang các phòng tuyển sinh để hỏi những thông tin bạn muốn biết. Hãy chủ động, cơ hội là của bạn.

    Ngoài ra, hãy tham gia các cuộc phỏng vấn hoặc các cuộc viếng thăm của các trường mà bạn muốn học khi họ sang Việt Nam. Cơ hội của bạn sẽ tăng lên rất nhiều.