Cận cảnh quy trình “luộc” chín khoai, ngô bằng bột thông bể phốt

Cận cảnh quy trình

Truy tìm nguồn gốc hóa chất “luộc” chín ngô khoai không cần đun

Mới đây, vào ngày 17/7, tại trường mầm non thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã xảy ra một vụ ngộ độc nghiêm trọng.
Theo thông tin từ bố, mẹ các cháu bé, hóa chất mà con họ ăn phải có dạng bột, màu trắng, đựng trong một túi nilon có vỏ bao bì ghi là “bột thông cống”.

Sau đó, các cháu được đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Văn Lâm. Do các cháu bị ngộ độc nặng nên ngay sau đó, gia đình đã chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để chữa trị. Đến sáng (23/7), bé Ngô Khánh L. đã được xuất viện, 3 học sinh còn lại vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Do tính chất của bột thông cống khá nguy hại, một vài ngày gần đây nhiều người lại nghi ngờ hóa chất trong bột thông cống có tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và đồng thời đưa ra nghi vấn về việc ngô và khoai lang được cho là luộc bằng hóa chất độc hại này.

Những hình ảnh, video khẳng định việc bột thông cống, bột thông bể phốt có thể “luộc” chín ngô, khoai một cách bình thường mà không cần đến củi lửa khiến cư dân mạng cũng như người dân hoang mang. 

Đứng trước thực hư thông tin này, Phóng viên đã vào cuộc điều tra cũng như tìm hiểu về loại bột được cho là có thể “luộc” chín ngô, khoai này.


Loại bột vi sinh thường được người dân sử dụng vì an toàn và hiệu quả.

Chúng tôi tìm đến một cửa hàng bán hóa phẩm tại phố Láng Hạ hỏi về loại bột thông cống, thông bể phốt thì được người bán hàng đưa ra một loại bột do một công ty trong nước sản xuất và người bán cho biết đó là loại bột vi sinh, thành phần chính đó là những vi sinh vật hoạt động với tần suất cực mạnh. Theo lý giải của người bán hàng thì hiện nay người dân ưa chuộng loại bột vi sinh này hơn bởi vừa an toàn, vừa hiệu quả?! Khi chúng tôi hỏi về loại bột hóa học, thì tại cửa hàng này không có.


Đây là loại bột bằng chất hóa học được cho là sử dụng để “luộc” ngô, khoai.

Tiếp tục tìm đến một cửa hàng khác cũng tại con phố này thì bà chủ dẫn vào một thùng chứa nhiều loại bột khác nhau, đặc biệt một loại bột có trọng lượng 100gram đúng nhãn hiệu mà một số thành viên trên các diễn đàn cho là dùng để “luộc” ngô, khoai. Theo bà chủ cửa hàng thì thành phần chủ yếu của loại bột này là chất hóa học.

Giá cả của loại bột vi sinh thường giao động từ 25-30 ngàn đồng/gói loại 200 gram, còn loại bột vi sinh có trọng lượng 100gram giá là 20 – 25 ngàn đồng.

Ngô chín, khoai nhừ chỉ sau 20 phút “luộc” bằng bột thông cống

Có trong tay 2 gói bột thông cống, chúng tôi đã tiến hành thử “luộc” ngô, khoai bằng chính 2 loại bột này. Để thực hiện cuộc thử nghiệm, chúng tôi đã cắt đôi một củ khoai tây, có trọng lượng khoảng gần 100 gram và 1 khúc ngô ngọt.


Ngô và khoai tây mới xắt còn tươi nguyên trước lúc thử “luộc” với 2 loại bột thông cống.

Trước tiên, chúng tôi thử với loại bột vi sinh: mang nhãn hiệu X, do một công ty tại Hà Nội phân phối và được quảng cáo là được sản xuất theo công nghệ Thái Lan.

Trước tiên, cắt bịch bột thông cống thả một lượng bột bằng 2 muỗng cà phê vào túi nilon, tiếp theo là đổ khoảng 200ml nước sạch vào túi nilon, tiếp tục thả 2 miếng khoai tây và miếng ngô còn tươi nguyên vào.


Thử nghiệm “luộc” ngô, khoai với bột thông cống vi sinh.

Do loại bột vi sinh này có màu nâu nên sau khi cho vào hòa tan với nước, toàn bộ màu nước trong túi nilon sẽ chuyển sang màu nâu. Quan sát một lúc, chúng tôi không phát hiện sự bất thường, khi đồng hồ chạy đến phút thứ 20 thì tiến hành vớt ra.


Sau 20 phút vớt ra, các miếng khoai tây và ngô ngọt gần như không có biểu hiện bị “luộc” chín.

Kết quả, 2 miếng khoai tây và miếng ngô không có biểu hiện bị “luộc”, bề mặt khoai tây không bị biến đổi, màu khoai gần như còn giữ nguyên như lúc đầu. Miếng ngô ngọt cũng có biểu hiện tương tự. Như vậy, qua thử nghiệm trên chúng ta có thể khẳng định, đối với loại bột thông cống bằng vi sinh không thể “luộc” chín ngô, khoai.

Tiếp tục thử nghiệm luộc với bột thông cống bằng chất hóa học, chúng tôi tiến hành thả 2 muỗng cà phê bột thông cống hóa học vào túi nilon, theo quan sát thì đối với loại bột này có màu trắng tinh hệt đường kính trắng, không mùi. Ngay sau đó tiến hành thả 2 miếng khoai tây, 1 miếng ngô ngọt vào và tiến hành đổ nước.


Bột thông cống hóa học dạng tinh thể, tựa như đường kính trắng.

Lượng nước chúng tôi tiến hành đổ vào túi nilon khoảng 200ml và buộc kín. Thật bất ngờ, chỉ 1 phút sau khi buộc lại, nước bên trong có hiện tượng như sủi bọt lăn tăn và dần chuyển sang màu vàng sánh.


Nước từ màu trắng trong dần chuyển sang màu vàng sánh.

Đến phút thứ 20, bằng mắt thường chúng tôi có thể nhận ra 2 miếng khoai tây có phần nở ra, to hơn trước khi bỏ vào túi nilon khoảng 20%, chuyển sang màu vàng sánh hệt như màu nước trong túi nilon.


2 miếng khoai tây bất ngờ to hơn 20% so với lúc đầu.

Khi tiến hành lấy 2 miếng khoai tây và miếng ngô ngọt ra ngoài, chúng tôi vô cùng choáng váng vì màu khoai tây cũng như ngô ngọt hệt như màu được luộc chín, thậm chí còn đẹp hơn bình thường ngô được bán ở các hàng rong. 


Sau 20 phút cho vào dung dịch bột thông cống hóa học, ngô và khoai chính thức được “luộc” chín.

Chúng tôi tiến hành dùng đũa và mũi kéo để kiểm tra xem khoai tây và ngô có được luộc chín hay không thì kết quả thật bất ngờ, khoai tây khá bở, chỉ cần lẫy nhẹ là khoai tây bỡ ra, riêng đối với ngô ngọt thì chỉ cần dùng đũa ấn nhẹ và mềm nhũn.


Dùng mũi kéo hoặc đầu đũa ấn nhẹ khoai tây bỡ ra do đã bị chín.


Miếng ngô ngọt cũng đã chín.

Như vậy, loại bột thông cống, bể phốt bằng chất hóa học có thể “luộc” chín ngô khoai mà chúng tôi thử nghiệm thực tế. Nhiều người đặt dấu hỏi rằng, liệu những người bán ngô, khoai luộc có sử dụng bột thông cống để “luộc” hay không thì đó còn là một dấu hỏi lớn bởi nếu có thật thì thật nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Nhưng nhiều người vẫn có niềm tin rằng họ cũng là những con người lao động chân chất, không ai lại có thể nhẫn tâm sử dụng loại hóa chất độc hại này để “đầu độc” người dân.

Trả lời báo chí về việc có hay không việc sử dụng bột thông cống để làm chín khoai/ngô/sắn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Cán bộ Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm (Đại Học Bách khoa Hà Nội) cho biết chưa nhận được thông tin này song bản chất của bột thông cống là sinh nhiệt, làm mềm và phân hủy các chất thải, chất bẩn tắc trong cống. Do đó, khi chúng ta tiến hành thí nghiệm như trên, sẽ có phản ứng củ khoai bị mềm đi song để làm chín đem ra thị trường bán như hiện nay lại là chuyện khác.

Còn theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, bột thông cống có rất nhiều loại, muốn phân tích về tác hại, độc tố của chúng cần chỉ đích danh và phân tích từng thành phần của nó. Nếu nó được sử dụng để ngâm tẩm, làm chín thực phẩm đúng như phản ánh thì cần các cơ quan chức năng vào cuộc bởi bản chất, đây không không phải là phụ gia được sử dụng trong thực phẩm.

“Cần phải thận trọng khi khẳng định những người bán hàng rong có sử dụng các hóa chất này hay không để làm chín sản phẩm trước khi bán cho khách hàng bởi thực chất, chưa hề có bằng chứng về việc này. Đó có thể chỉ là tin đồn gây ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của họ”, PGS Thịnh nói.

Nguồn: Theo Trí thức trẻ

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.