Chị em “nhạy cảm” với điều hòa hơn nam giới ở văn phòng?

0
101
Phụ nữ dễ bị lạnh hơn nam giới khi ngồi trong phòng điều hòa
Các văn phòng công ty thường sử dụng điều hòa, thậm chí bật nhiệt độ khá lạnh để chống chọi với cái nắng ngoài trời. Tuy nhiên, không ít các chị em phụ nữ đã kêu ca về nhiệt độ quá lạnh so với họ, trong khi phái mày râu có thể vẫn ung dung chịu đựng được, cảm thấy thoải mái.
Rõ ràng, đây là một vấn đề lớn và nó đã được tìm hiểu trong một nghiên cứu khoa học. Năm 1998, các nhà nghiên cứu tại Đại học Utah phát hiện ra rằng mặc dù phụ nữ có nhiệt độ bên trong cao hơn nam giới (36,5 độ C so với 36,3 độ C) nhưng đôi tay của họ luôn lạnh hơn. Trong khi tay đàn ông có nhiệt độ trung bình 32 độ C, nhiệt độ trung bình của tay phụ nữ chỉ là 30 độ C.
Phụ nữ dễ bị lạnh hơn nam giới khi ngồi trong phòng điều hòa
Các nhà khoa học giải thích rằng sự chênh lệch này có liên quan tới sự chênh lệch về kích thước giữa nam giới và phụ nữ. Phụ nữ thường có nhiều chất béo hơn nam giới và mặc dù chất béo giúp họ giữ nhiệt bên trong nhưng nó không tạo ra nhiệt – không giống như cơ bắp của người đàn ông.
Đây cũng là lý do khiến phụ nữ thường cảm thấy lạnh hơn so với nam giới khi ngồi trong điều hòa. Nếu như phái mày râu vẫn cứ tự tin mặc áo cộc tay trong điều kiện phòng điều hòa mát mẻ thì có thể một số chị em đang co ro, đắp thêm chăn mỏng hoặc khoác thêm áo chống nắng.
Nhiệt độ lạnh thực sự có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe. Phụ nữ có thể bị căng cơ bắp vai khi lạnh, dẫn đến đau nhức vai, lưng và khoa học đã chứng minh rằng nếu bạn tập thể dục khi cơ bị lạnh, nó có thể dẫn đến hiện tượng đau cơ. Vì vậy, không nên tập thể dục sau khi ngồi điều hòa lạnh lâu.
Nhiệt độ lạnh cũng có thể gây ra vấn đề sinh lý khác như tăng huyết áp và đường hô hấp bị thắt chặt. Nếu một người dễ bị ốm hoặc có bệnh mạn tính, điều này có thể gây nguy hiểm hơn.
Những nhân viên văn phòng khi ngồi trong điều hòa lạnh cũng có khả năng gây ra nhiều lỗi sai trong công việc của họ và ít hiệu quả. Một nghiên cứu năm 2004 cho thấy khi nhiệt độ phòng tăng lên 20-25 độ C, các lỗi đánh máy đã giảm tới 44%.
Alan Hedge, giáo sư tại một phòng thí nghiệm về con người ở Anh cũng là người thực hiện nghiên cứu, cho biết: “Nhiệt độ chắc chắn là một điều kiện quan trọng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng đưa ra đề nghị tăng nhiệt độ đến một mức thoải mái hơn giúp bảo vệ người lao động.”
 
 
Thụy Du – (Dịch theo TG)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.