Tiểu sành dùng để đựng hài cốt của người quá cố sau khi sang cát. Nhưng tiểu sành để xây nhà, đắp chân đê, dựng tường làng, xây đình, chùa… thì chắc rằng chỉ người làng Thổ Hà, Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang mới sáng tạo ra.
Cụ Trịnh Đắc Cường, năm nay đã 87 tuổi hiện đang là thầy giáo dạy chữ nho trong làng cho biết: “Làng Thổ Hà của chúng tôi xưa kia có nghề làm gốm sành rất nổi tiếng. Nó khác với các loại đồ gốm sứ của làngChu Đậu, Phù Lãng hay Bát Tràng làm ra. Người Thổ Hà từ đời Trần – Lê đã biết tận dụng những chiếc tiểu sành phế phẩm để làm tường nhà, đình, chùa, làm chân đê sông Cầu”.
Cổng làng Thổ Hà cổ kính trải qua bao mưa, nắng
Nguyên liệu là những chiếc tiểu sành sáu lỗ thoát khí, nhưng chất liệu kết dính để chúng thành tường, thành chân đê cũng rất đặc biệt. Người Thổ Hà đã nghĩ ra cách trộn vôi với tro của rơm trấu sau khi đốt để trát lên tường tiểu sành thay cho xi măng, vôi vữa như hiện nay. Đặc biệt để chít mạch cho những chiếc tiểu sành gắn kết với nhau, người xưa đã dùng cả mật ong, đường mật để làm nguyên liệu.
Trải qua thời gian, mưa gió xói mòn, những mảnh vữa vỡ đi để lộ ra
bức tường nhà với rất nhiều chiếc tiểu sành xếp chồng lên nhau
Trải qua hàng trăm năm, rất nhiều ngôi nhà ở Thổ Hà đã bị bong tróc lớp vữa bên ngoài, để lộ ra những hàng tiểu sành hết sức độc đáo, cổ kính. “Nhà cổ bằng tiểu sành, mái lợp ngói ta tuy chỉ xây cao hơn hai mét nhưng mát lắm và rất bền. Bọn trẻ bây giờ thích nhà tầng, bê tông cốt thép thì mới có xu hướng phá nhà tiểu sành đi, chứ về độ bền chắc gì đã bằng nhà các cụ xây ngày xưa ” – Ông Cam, 61 tuổi, sống từ nhỏ trong ngôi nhà cổ bằng tiểu sành, tâm sự.
Nhìn những bức tường xây từ mảnh sành và tiểu sành như chỉ có
xếp chồng lên nhau, nhưng thực sự chúng rất bền chắc
Về Thổ Hà bây giờ chúng ta sẽ bắt gặp nhiều ngôi nhà tầng cao vút. Tuy nhiên những khu tường nhà, bờ đê nhuộm màu nâu, đỏ của tiểu sành lồ lộ trong các ngõ nhỏ vẫn là một vẻ đẹp dị biệt chẳng lẫn vào đâu. Dẫu biết rằng các thế hệ hôm nay chẳng dễ gì bảo tồn được nét đẹp cùng nghệ thuật kiến trúc độ nhất vô nhị ấy!
Chỉ còn một số nhà ở Thổ Hà hiện nay còn giữ được nguyên bản nét cổ với liếp tre,
tường xây tiểu sành thấp, lợp ngói ta như thế này
Cụ Trình Đắc Cường với cây hương bằng gốm cổ duy nhất còn sót lại ở Thổ Hà
Đường làng Thổ Hà trở lên cổ kính và lạ mắt hơn với tường tiểu sành rêu phong
Chiếc cổng ngõ cổ kính với chất liệu gạch đá ong và mái xếp tiểu sành
Bức tường căn nhà cổ vô cùng đặc biệt ở Thổ Hà. Nó được xây lên
bởi vô vàn mảnh tiểu sành vỡ cùng với những viên gạch đủ kích cỡ
Nhiều ngôi nhà ở Thổ Hà đã phá tường tiểu sành đi, nhưng chân móng bằng những mảnh sành thì họ vẫn giữ lại. Điều đó chứng tỏ độ bền chắc của chất liệu này khi dùng để xây tường nhà.
Tuổi thơ của nhiều em nhỏ đã sinh ra và lớn lên dưới mái nhà tiểu sành
Những mảnh vữa vỡ để lộ dần tường xây bằng nhiều chiếc tiểu sành rỗng với sáu lỗ thoát khí trên mỗi cái.
Đắp chân đê quanh cây đa của làng bằng những chiếc tiểu sành.
Chỉ người Thổ Hà mới phát minh ra kiểu kiến trúc độc đáo này.
Tiểu sành xen lẫn với gạch lộ ra làm cho ngõ xóm ở Thổ Hà rất cổ kính và lạ mắt
Tiểu sành còn được nhiều người Thổ Hà dùng làm chậu trồng hoa, cây cảnh