10 điều không nên nói với mẹ chồng

0
118
10 điều không nên nói với mẹ chồng

Tiến sĩ Deanna Brann – Nhà tâm lý học, kiêm tác giả cuốn Mẹ con bất đắc dĩ: Làm sao để chung sống hòa hợp với mẹ chồng đã tiến hành phỏng vấn nhiều bà mẹ chồng để tổng hợp được mười câu nói mà họ ít muốn nghe nhất từ miệng con dâu.

10 điều không nên nói với mẹ chồng
10 điều không nên nói với mẹ chồng

1. “Nếu mẹ cần giúp đỡ, cứ tìm con nhé”

Bạn nghĩ rằng lời nói này mang đầy thiện chí và sẽ khiến mẹ chồng cảm động? Thực ra nó sẽ phản tác dụng. Lý do là vì bạn đã vô tình đưa ra một lời hứa và không phải lúc nào bạn cũng có khả năng thực hiện lời hứa này. Mẹ chồng sẽ cho rằng bạn là người “hứa lèo” và chỉ giỏi nói. Vì thế, thay vì nói ra những lời đầy hứa hẹn, hãy sắp xếp thời gian để gặp mẹ chồng nhiều hơn. Nếu mẹ chồng yêu cầu bạn làm gì đó, đừng vội nhận lời mà hãy kiểm tra cẩn thận lịch làm việc của bạn trước. Bạn có thể khéo léo nói với bà là phải xin ý kiến của chồng bạn – con trai bà đã.

2 . “Con không cần lời khuyên của mẹ”

Mẹ chồng sẽ thường xuyên đưa ra những lời khuyên và nhận xét trước mỗi việc bạn làm, từ chuyện chăm sóc con cái đến lựa chọn trang phục. Và tất nhiên, không phải lúc nào bạn cũng cần đến những lời khuyên của bà. Nhưng thay vì tạt cho bà một gáo nước lạnh bằng lời nói trên, hãy làm việc đơn giản hơn là mỉm cười và cảm ơn. Sau đó bạn có thể tiếp tục làm theo hướng mà bạn cho là đúng. Nếu mẹ chồng vẫn không dừng việc khuyên nhủ, bạn có thể trao đổi với chồng để nhờ anh “nói khéo” với bà.

3 . “Mẹ đừng nhắc đến ngày xưa nữa”

“Chuyện ngày xưa” ở đây ngầm chỉ khác biệt thế hệ trong quan điểm về xã hội. Đây có thể là khởi nguồn của một cuộc đấu khẩu không điểm dừng giữa bạn và mẹ chồng. Câu cửa miệng của các bà mẹ là “ngày xưa mẹ…”. Tất nhiên là bạn chẳng thích thú gì khi phải nghe những câu chuyện bắt đầu với cụm từ này, nhưng cũng đừng vì thế mà có thái độ bất kính với mẹ chồng. Trong tình huống này, bạn nên giữ im lặng và lắng nghe mẹ chồng một lúc, sau đó kiếm một cái cớ phù hợp để dừng cuộc “độc thoại” của bà.

4 . “Tại sao mẹ không dạy con trai mình…”

Rất nhiều nàng dâu đổ lỗi cho mẹ chồng vì những thiếu sót của ông xã. Trên thực tế, bạn nên đề nghị chồng chịu trách nhiệm cho những sai phạm của mình chứ không phải gây sức ép cho mẹ anh. Việc trách móc mẹ chồng sẽ chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho bạn, cũng không khiến chồng bạn khá hơn. Tất cả những gì bạn nhận được sẽ là thái độ bực dọc của mẹ chồng mà thôi.

5 . “Con thích gia đình cha mẹ đẻ hơn”

Đây là vấn đề rất phổ biến trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Có nhiều bà mẹ chồng phàn nàn rằng con dâu chỉ chăm chăm lo cho nhà mẹ đẻ chứ không dành thời gian cho nhà chồng. Tất nhiên mẹ chồng hiểu rằng bạn thấy thoải mái với gia đình thật của bạn hơn, nhưng bạn không nên nói ra điều đó trước mắt bà. Mấu chốt là bạn phải cư xử khéo léo. Nếu bạn muốn dùng kỳ nghỉ để về thăm nhà mẹ đẻ, hãy nói chuyện trước với chồng để có thể sắp xếp thời gian cho cả hai bên. Giờ đây bạn đã là thành viên của một gia đình mới và bạn nên học cách coi họ như người thân thực sự.

6 . “Con mong sớm được kế thừa… của mẹ”

Đây là một câu nói hết sức tai hại. Cho dù vật bạn mong được kế thừa là gì, giá trị cao hay thấp, bạn cũng không nên gây ra cho mẹ chồng cảm giác bạn mong bà… sớm khuất núi. Cuộc trò chuyện có liên quan tới tài sản kế thừa chỉ nên diễn ra giữa hai vợ chồng và giữa chồng với cha mẹ anh mà thôi. Nếu mẹ chồng chủ động đặt vấn đề này với bạn, hãy thoải mái trao đổi lại. Đừng dại gì chủ động gợi ra với bà.

7. “Chúng con không có thời gian gặp mẹ”

Hiển nhiên là mẹ chồng luôn muốn gặp con cái hơn là ngược lại. Nếu vợ chồng bạn sống riêng và thực sự không sắp xếp được thời gian để gặp mặt bà, một lần nữa, chồng bạn sẽ phải làm “sứ giả”. Tuy vậy, bạn không nên kéo dài việc trốn tránh cuộc gặp này. Một khi đã có thời gian, hãy tới thăm mẹ chồng càng sớm càng tốt.

8. “Mẹ nên dạy lại con gái mình”

“Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, chuyện chị dâu với em chồng có khi còn căng thẳng hơn con dâu với mẹ chồng. Nhưng bạn không nên nghĩ tới việc “cầu viện” hay “gây sự” với mẹ chồng để giải quyết vấn đề này. Bà sẽ luôn bênh vực con gái mình và việc bạn lên án cô ấy sẽ chỉ khiến chuyện thêm tệ hại. Trừ khi bạn đang phải đối mặt với những chuyện trầm trọng hơn như chị em chồng tranh chấp tài sản và tấn công gia đình bạn.

9 . “Các cháu cũng bận lắm nên không gặp bà được đâu”

Nếu như mẹ chồng hoặc người nhà chồng có tật xấu nào đó có thể ảnh hưởng xấu đến bọn trẻ (như cờ bạc, nghiện ngập…), bạn có thể hạn chế việc gặp gỡ. Nhưng trước khi làm việc đó, bạn phải nói chuyện với chồng. Hãy nhờ anh nhắn nhủ với người nhà mình sự thật về nỗi e ngại của hai bạn. Nếu họ không thể thay đổi các tật xấu thì cũng không nên trách móc bạn đã tách bọn trẻ ra khỏi họ. Nhưng nếu như nhà chồng hoàn toàn bình thường và mẹ chồng chỉ muốn gặp các cháu, bạn hãy tôn trọng điều đó dù có thích bà hay không.

10 . “Tốt hơn là để chồng con nói chuyện với mẹ”

Có những trường hợp mà bạn nên trao đổi và nhờ chồng làm “sứ giả”, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Nếu bạn muốn thiết lập được mối quan hệ tốt với mẹ chồng, bạn nên chủ động trò chuyện và chia sẻ với bà. Đừng nấp mãi sau cánh gà để tránh bị soi mói, vì cách làm này sẽ phản tác dụng. Mẹ chồng sẽ nghĩ bạn có gì đó muốn giấu diếm hoặc tệ hơn là coi thường bà. Thêm vào đó, việc thấy bạn có tương tác tốt với nhà chồng sẽ giúp con bạn gần gũi họ dễ dàng hơn.

 

Nguồn: Theo Womansday.com